ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠ HUOAI ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH! CUỘC THI TÌM HIỂU VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2023 ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠ HUOAI ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH! CUỘC THI TÌM HIỂU VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2023
Đạ Huoai: Nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa trong vùng dân tộc thiểu số In trang
12/06/2019 12:00 SA

Với khoảng 20% dân cư là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên gốc bản địa, Ðạ Huoai đang nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa trong các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Chị Ka Hoàn đang truyền nghề dệt thổ cẩm cho người thân. Ảnh: V.T
Chị Ka Hoàn đang truyền nghề dệt thổ cẩm cho người thân. Ảnh: V.T

Khôi phục nghề dệt thổ cẩm

Ngay phía sau ngôi nhà gỗ truyền thống của người Châu Mạ tại thôn Phước Hồng - xã Phước Lộc - Đạ Huoai là một căn nhà xây, nhỏ nhưng khá rộng rãi, phòng khách kê 3 chiếc máy may cùng các kệ trưng bày vải thổ cẩm và các kiểu váy áo truyền thống của người địa phương nơi đây. Đó là hiệu may của Ka Hoàn, cũng là địa chỉ của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Phước Lộc.

Năm nay 28 tuổi, Ka Hoàn đã có nhiều năm làm nghề may tại xã nổi tiếng vì khéo tay nên người dân nơi đây tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của xã.

Tổ hợp tác này hiện có 14 thành viên là phụ nữ, người của 3 thôn Phước Hồng, Phước Trung và Phước Dũng tại xã Phước Lộc. “Dệt thì trước đây người trong buôn ai ai cũng biết, những người lớn dạy lại cho thanh niên cách dệt, cách nhuộm chỉ, cách bố trí các hoa văn trên vải sao cho đẹp, bà con cứ rảnh rỗi không bận mùa màng thì dệt, mỗi ngày dệt một ít dần thành tấm vải. Bây giờ thì ít ai dệt rồi vì quần áo may sẵn bán rất nhiều” - Ka Hoàn nói.

Để nghề dệt vải thủ công của cộng đồng người Châu Mạ trong xã không bị mai một, huyện Đạ Huoai trong năm 2018 vừa qua đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại đây, các thành viên tham gia mỗi người được huyện hỗ trợ một khung dệt bằng gỗ và chỉ dệt để dệt vải.

“Ngày trước, mọi người thường treo chỉ dệt lên các cây cột trong góc nhà, nay Nhà nước cấp cho khung dệt này tiện hơn rất nhiều, có thể mang đi chỗ này chỗ nọ, mang qua nhà hàng xóm cùng làm cho vui” - Ka Hoàn vừa dệt vừa nói chuyện.

Trong hơn 1 năm nay, từ khi tổ hợp tác này đi vào hoạt động, các thành viên trong tổ đã làm nên nhiều sản phẩm với hoa văn đặc trưng của người Châu Mạ nơi đây, có loại vải riêng dùng để may áo cho nam, có loại vải dùng may váy cho phụ nữ, có những loại vải dệt cầu kỳ nhiều hoa văn hơn dùng làm tấm đắp, khăn trải bàn hoặc dùng trang trí trong nhà.

Điều đáng mừng, theo chị Ka Hoàn, gần đây khi đời sống khá lên, cộng đồng dân cư Châu Mạ tại đây đã bắt đầu chú ý hơn đến ăn mặc; nhất là trong các dịp lễ hội, đám cưới, đi lễ nhà thờ chủ nhật hầu hết mọi người đã bắt đầu sử dụng các bộ trang phục dân tộc truyền thống. Rất nhiều người đã đến hiệu may của Ka Hoàn để mua thổ cẩm và đặt may những bộ váy áo truyền thống như thế, dù giá không rẻ chút nào, mỗi chiếc váy trên 1 triệu đồng kể cả tiền vải và công.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm, với sự giúp đỡ của huyện gần đầy đã mở một phòng trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm của người địa phương cho du khách tại Khu Du lịch Rừng Madaguôi, tuy nhiên hàng dệt ra theo Ka Hoàn, chủ yếu bán cho người địa phương, còn số lượng sản phẩm bán cho du khách vẫn còn rất khiêm tốn.

Những nỗ lực

Việc thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm chỉ là một trong rất nhiều hoạt động của Đạ Huoai trong nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ, K’Ho đang được huyện thực hiện lâu nay.

Theo Phòng Văn hóa Thông tin Đạ Huoai, huyện lâu nay đã lồng ghép một cách hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cùng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.

Đạ Huoai gần đây đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng kiểm kê tổng thể di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn; cho thu âm, thu hình các bài chiêng, các làn điệu dân ca, dân vũ của cộng đồng Châu Mạ và K’Ho; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu văn hóa cồng chiêng của địa phương.

Huyện đến nay đã trang bị chiêng cùng một số nhạc cụ truyền thống cho 8 xã và thị trấn - nơi có cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong năm 2018 vừa qua, huyện đã trang bị 6 bộ chiêng cho 6 xã, thị trấn; đồng thời tổ chức 15 lớp dạy cồng chiêng cho trên 320 học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số tham dự. Cứ 2 năm 1 lần trong những năm gần đây, Đạ Huoai lại tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng toàn huyện, với sự có mặt của tất cả các cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số của huyện.

Địa phương cũng phối hợp tốt với các khu, điểm du lịch trên địa bàn, nhằm khai thác vốn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương vào phục vụ khách du lịch. Đặc biệt là sử dụng không gian văn hóa cồng chiêng, các món ăn truyền thống của người bản địa, các trò chơi dân gian, các sản vật (như rượu cần, cá suối, rau rừng...), nhằm tạo nên những điểm nhấn riêng cho du lịch địa phương cũng như quảng bá nền văn hóa đặc sắc của người bản địa nơi đây.

Theo Phòng Văn hóa Thông tin Đạ Huoai, hiện toàn huyện có 17/22 thôn, tổ dân phố - nơi có cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên sinh sống đã có đội cồng chiêng hoạt động. Riêng 4 nhóm cồng chiêng tại xã Phước Lộc đã được Khu Du lịch Mađaguôi hợp đồng để thường xuyên biểu diễn cho du khách tại đây.

Theo ông Trần Tân, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Đạ Huoai, trong thời gian đến, huyện vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp huyện, thành lập thêm các câu lạc bộ nghệ nhân cồng chiêng; đồng thời mở thêm các lớp truyền dạy cồng chiêng và các làn điệu dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ; cố gắng duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống tại địa phương.

VIẾT TRỌNG - baolamdong.vn

Lượt xem: 1.224
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000285014
  •  Đang online: 40
  •  Trong tuần: 817
  •  Trong tháng: 6.014
  •  Trong năm: 95.711