ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠ HUOAI ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH! CUỘC THI TÌM HIỂU VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2023 ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠ HUOAI ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH! CUỘC THI TÌM HIỂU VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2023
Phước Lộc - ngày ấy, bây giờ In trang
02/05/2019 12:00 SA

Ô tô bon bon trên con đường nhựa qua những vườn cây trái bạt ngàn; từ Ngã ba cầu Thanh Hải (Quốc lộ 20) đi chừng 10 phút đã tới UBND xã Phước Lộc (Ðạ Huoai). Cũng con đường này (6 km), năm 2003 chúng tôi phải mò mẫm, vật lộn gần nửa ngày.

Nhà ở của đồng bào dtts xã Phước Lộc ngày càng khang trang. Ảnh: T.D.H
Nhà ở của đồng bào dtts xã Phước Lộc ngày càng khang trang. Ảnh: T.D.H

Phước Lộc xưa và nay

Tháng 3/2003, xã Phước Lộc được thành lập trên cơ sở giãn dân từ Thôn 5 - xã Hà Lâm (Đạ Huoai) đưa vào đây xây dựng xã mới. Thời điểm đó, tôi được phân công đưa 4 trí thức trẻ (TTT) “Đội hình Trí thức trẻ tình nguyện” (Dự án của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) về đây công tác trong 2 năm. Tập kết tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, tôi và Nguyễn Quốc Phi (cán bộ Huyện đoàn Đạ Huoai) và 4 cô cậu TTT mang ba lô, lỉnh kỉnh vật dụng, choàng áo mưa lội con đường rừng cheo leo bùn đất để về xã. Ông Cường (Bí thư chi bộ xã) đón đoàn tại một căn nhà lợp tranh rộng chừng 40 m2 (chưa có tường, trống trơn) vừa dựng tạm trên triền đồi còn thơm mùi đất mới. Sau thủ tục nhận “bàn giao”, vì xã chưa có chỗ nào để TTT ăn, ngủ nên Bí thư Cường đưa cả đoàn về nhà ông ở tạm…

Mười sáu năm trở lại, tôi không còn nhận ra Phước Lộc ngày xưa: hoang sơ, khó khăn, tăm tối... Trụ sở Đảng ủy và UBND xã xây 2 tầng, đỏ au mái ngói; nhà ở của Nhân dân khang trang núp dưới bóng cây ăn trái sum sê, trĩu quả; điện lưới, nước sạch đến tận nhà dân, trường học rộn tiếng trẻ thơ học bài; giao thông đi lại giữa các thôn (6 thôn) đều được rải nhựa và bê tông hóa thoáng rộng…

Ông Lương Minh Tuấn - Bí thư Đảng ủy và cán bộ UBND xã niềm nở tiếp chúng tôi. Qua trao đổi, tôi được biết để đạt được thành tựu vượt bậc như hôm nay, các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Phước Lộc 16 năm qua đã đồng cam cộng khổ, nỗ lực thực hiện nhiều chính sách đã “vực dậy” xã nghèo này phát triển.

Lúc mới thành lập, toàn xã có 247 hộ, hơn 1.000 khẩu; gần 85% hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); đa số dân cư thuộc diện thiếu đất sản xuất, hộ nghèo chiếm 89%; điều kiện về công tác của cán bộ; đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân hết sức khó khăn… Chi bộ xã chỉ có 9 đảng viên; đội ngũ cán bộ non trẻ, thiếu kinh nghiệm công tác; Nhân dân mang nặng tư tưởng du canh, du cư, tập quán sản xuất hết sức lạc hậu. Xã Phước Lộc có 7.779 ha đất tự nhiên; trong đó có 1.456,88 ha đất nông nghiệp; những năm đầu xây dựng xã mới, Nhân dân chủ yếu quen chăm sóc cây điều giống cũ và chăn nuôi nhỏ lẻ; thu nhập rất bấp bênh, cái đói, cái nghèo thường trực…

Lãnh đạo xã xác định, muốn đưa Phước Lộc phát triển, trước hết phải xây dựng chi bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị vững mạnh; cán bộ, đảng viên phải đoàn kết, gương mẫu, nỗ lực “vượt khó”; tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở; chú trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ tư duy sản xuất cũ, lạc hậu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, sinh hoạt, sản xuất... 

Từ năm 2005, các chương trình 134, 135, 30a, các dự án về giảm nghèo, phát triển vùng DTTS của Trung ương, của tỉnh được đầu tư, lãnh đạo xã đã tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; thành lập các ban chỉ đạo; ban hành các nghị quyết của cấp ủy, triển khai các kế hoạch, dự án, chương trình của UBND xã; chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể gắn vai trò, chức năng của từng tổ chức với công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi phương thức sản xuất, vươn lên xóa nghèo, tham gia phát triển KT-XH địa phương.

Giai đoạn 2009 - 2016, xã Phước Lộc tập trung quyết liệt công tác giảm nghèo, phát triển KT-XH, tăng cường quốc phòng, an ninh mạnh mẽ nhất. Đảng ủy xã đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề số 10, 11, 15… về xây dựng nông thôn mới (NTM), xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa; về nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sản phẩm trên một đơn vị diện tích và thu nhập của người dân; giảm nghèo bền vững; xây dựng hệ thống chi bộ cơ sở… Lãnh đạo xã đã tích cực vận động, hướng dẫn Nhân dân chuyển dần diện tích cây điều cũ kém hiệu quả sang trồng điều ghép, tạo tán; đầu tư các loại cây trồng mới có giá trị cao như sầu riêng (Donna, Bi 6, Chín hóa), mít tố nữ, măng cụt, chôm chôm kết hợp trồng cây chè cắt cành dưới tán các loại cây lâu năm…

Chủ trương đúng, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và sự đồng thuận của Nhân dân đã làm cho Phước Lộc thay da đổi thịt!

Những thành tích ấn tượng

Nói về kết quả xóa nghèo ở huyện Đạ Huoai những năm qua, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quý Mỵ cho biết, Phước Lộc là xã đạt thành tích ấn tượng nhất. Hiện nay, toàn xã có 718 hộ/3.473 khẩu; từ 89% hộ nghèo (năm 2003), cuối năm 2018, Phước Lộc chỉ còn 2,92% hộ nghèo (21 hộ) và 22 hộ cận nghèo (chiếm 3,06%); 100% hộ nghèo và cận nghèo đều thuộc hộ đồng bào DTTS.

Từ độc canh cây, đến nay cơ cấu nông nghiệp của Phước Lộc khá đa dạng; toàn xã có 698,1 ha điều ghép, 416,96 ha sầu riêng giống mới các loại; 94,2 ha cây cao su; 29,7 ha ca cao, 20 ha măng cụt; 182 ha chè cành;... bò, heo 422 con, hơn 6.000 gia cầm.

Chương trình xây dựng NTM được gắn với chương trình giảm nghèo; huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng; hỗ trợ vốn, cây giống cho nông dân đẩy mạnh sản xuất. Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị cao, lãnh đạo xã đã vận động nông dân áp dụng cách tưới nước và bón phân cho cây trồng bằng hệ thống tự động. Hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí, công sức vừa nâng sản lượng cây trồng gấp 2 - 3 lần so với chăm sóc cũ. Cụ thể, sầu riêng trước chỉ đạt từ 10 - 12 tấn/ha, nâng lên 25 - 27 tấn/ha. Đặc biệt, việc trồng chè cành dưới tán cây ăn quả (giá bán tại vườn 7.000 đồng/kg, có lúc lên tới 12.000 đồng/kg), nông dân thu nhập rất khá.

 Bí thư Đảng ủy xã cho biết, công tác giảm nghèo được Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo bài bản; khảo sát nắm chắc số hộ nghèo ở từng thôn; phân loại 4 mức nghèo và giao từng đoàn thể (Hội Nông dân, Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên xã…) nhận giúp đỡ từng hộ nghèo. Nhờ đó, số hộ nghèo giảm nhanh và số hộ khá, giàu tăng lên; hiện 20% hộ gia đình ở Phước Lộc có mức thu nhập từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng/năm…

Cùng với sự phát triển kinh tế, thu hẹp hộ nghèo, văn hóa, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân… được đầu tư đạt hiệu quả. Trên địa bàn xã có 3 trường (mầm non, tiểu học và THCS) hàng năm huy động 100% trẻ ra lớp, chất lượng lên lớp đạt trên 98%. Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đạt chuẩn Quốc gia cấp độ I. 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 67% hộ đạt gia đình văn hóa; 6/6 thôn đạt chuẩn văn hóa; xã Phước Lộc đạt chuẩn văn hóa và đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục 3 cấp: mầm non, tiểu học, THCS; xã đã đạt 16/19 tiêu chí về xây dựng NTM…

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Phước Lộc đạt bước tiến dài; từ lúc chi bộ chỉ có 9 đảng viên, đã thành lập Đảng bộ xã với 76 đảng viên sinh hoạt tại 10 chi bộ; 6/6 thôn đã có chi bộ. Đánh giá chất lượng hàng năm, 100% chi bộ đạt TSVM; Đảng bộ xã nhiều năm đạt TSVM. Đội ngũ cán bộ xã đã được bồi dưỡng, đào tạo đạt chuẩn, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ…

Ghi chép: THANH DƯƠNG HỒNG - baolamdong.vn

Lượt xem: 811
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000224584
  •  Đang online: 6
  •  Trong tuần: 1.316
  •  Trong tháng: 9.412
  •  Trong năm: 35.281