Năm 2018, kinh tế Đạ Huoai tiếp tục đà tăng trưởng với tổng giá trị sản xuất các ngành đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, riêng cây sầu riêng đã mang lại nguồn thu hơn 800 tỷ đồng.
Tiểu thủ công nghiệp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn Đạ Huoai. Ảnh: K.Phúc
Thu hơn 800 tỷ đồng từ sầu riêng
Theo thống kê, toàn huyện Đạ Huoai hiện có khoảng 2.760 ha sầu riêng các loại; trong đó, có 1.950 ha đã cho thu hoạch. Vụ thu hoạch năm nay, tổng sản lượng sầu riêng của toàn huyện ước đạt khoảng 20.000 tấn; trong đó, sầu riêng ghép các giống Thái Lan (Mong Thong, Ri6, Đô Na) đạt khoảng 14.676 tấn và sầu riêng hạt là 5.364 tấn; năng suất bình quân đạt khoảng 11,2 tấn/ha.
So với năm 2017, sản lượng sầu riêng của toàn huyện tăng khoảng 9.800 tấn. Trong đó, riêng sản lượng sầu riêng ghép tăng hơn 8.000 tấn. Ngoài việc tăng nhanh về sản lượng, năm nay sầu riêng Đạ Huoai cũng được giá. Theo đó, sầu riêng ghép được thương lái thu mua từ 45 - 50 ngàn đồng/kg; sầu riêng hạt có giá từ 15 - 17 ngàn đồng/kg. Với tổng sản lượng và giá bán như trên, ước tính năm 2018, cây sầu riêng đã mang lại cho người dân Đạ Huoai nguồn thu hơn 800 tỷ đồng. Trong đó, nhiều hộ dân có được nguồn thu nhập từ 2 - 4,5 tỷ đồng/hộ.
Ông Lưu Tiến Chinh - Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết: “Xác định, sầu riêng là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, huyện đã xây dựng vùng sản xuất sầu riêng công nghệ cao với tổng diện tích 300 ha. Trong năm, huyện đã hỗ trợ sản xuất sầu riêng VietGAP cho 3 hợp tác xã và tổ hợp tác, với diện tích được cấp giấy chứng nhận 87,5 ha, nâng tổng số diện tích sầu riêng VietGAP của toàn huyện lên 154,8 ha; đồng thời, cấp 7.200 tem nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” cho 25 hộ nông dân. Để cây sầu riêng phát triển bền vững và mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, thời gian tới, Đạ Huoai sẽ hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình chăm sóc sầu riêng “3 trong 1” (bón phân, tưới nước và xịt thuốc bằng hệ thống tự động); đồng thời, đầu tư thâm canh và tăng diện tích, sản lượng sầu riêng VietGAP”.
Ðạt và vượt 15 chỉ tiêu kế hoạch
Để đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra từ đầu năm, huyện Đạ Huoai đã chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, chỉ đạo sản xuất trên các lĩnh vực. Trong đó, quan tâm công tác hỗ trợ, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… đã giúp địa phương thực hiện đạt và vượt kế hoạch 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra từ đầu năm. Nhờ vậy, trong năm 2018, tổng giá trị sản xuất của toàn huyện hơn 2.300 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tăng 25,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,3% và dịch vụ tăng 15%.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Đạ Huoai tập trung thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Chủ động hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh thâm canh, ứng dựng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nâng cao thu nhập. Nếu như năm 2017, sản lượng cây điều xem như mất trắng do dịch bệnh gây hại thì năm nay, năng suất ước đạt 5,4 tạ/ha, đạt 96% kế hoạch.
Ðặc biệt, cây ăn trái duy trì đà tăng trưởng mạnh cả diện tích, lẫn sản lượng với tổng diện tích cây ăn trái hiện nay hơn 3.500 ha, tăng 11,6%; tổng sản lượng đạt hơn 21.000 tấn, tăng 7%.
Cùng với đó, địa phương cũng đã chú trọng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại một số xã phía Nam, nên sản lượng kén đạt hơn 230 tấn, tăng 5%. Bên cạnh đó, trong khi đàn trâu, bò giảm do giá cả biến động xuống thấp thì đàn heo và gia cầm đã duy trì đà tăng trưởng trở lại và vượt kế hoạch đề ra.
Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, bên cạnh duy trì những ngành sản xuất đã có như mây tre đan truyền thống và công nghiệp chế biến thì trên địa bàn còn xuất hiện một số ngành sản xuất mới như đan mây gia công, bê tông nhựa nóng… nâng tổng số cơ sở sản xuất lên con số 46 (tăng 4 cơ sở so với cùng kỳ). Tổng giá trị sản xuất của ngành trong năm đạt gần 940 tỷ đồng, tăng 8,6%. Cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế, nguồn vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn cũng có nhiều khởi sắc khi đạt 671 tỷ đồng, tăng 10%. Trong đó, nguồn vốn ngoài nhà nước là 510 tỷ đồng và đầu tư công là 161 tỷ đồng để triển khai thực hiện 60 hạng mục công trình.
Qua thống kê, hiện nay, Đạ Huoai có hơn 1.000 doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Nhờ vậy, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của địa phương đạt gần 1.560 tỷ đồng, tăng 7%. Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng và ước đạt 13,6 triệu USD, tăng 5%. Hệ thống cơ sở du lịch, dịch vụ tiếp tục được đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ với 22 cơ sở kinh doanh dịch vụ, thu hút khoảng 123 ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm mang lại doanh thu khoảng 55 tỷ đồng, tăng 15%. Kinh tế tập thể tiếp tục tăng số lượng, quy mô và hoạt động hiệu quả. Hiện toàn huyện có 10 hợp tác xã và 17 tổ hợp tác, thu hút gần 300 thành viên tham gia.
Với đà tăng trưởng trong năm, đã tăng mức thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện lên mức hơn 40 triệu đồng/người/năm; đồng thời, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,37%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn 4,39%. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Đạ Huoai thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 120 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch; thu ngân sách huyện quản lý đạt 102 tỷ đồng, đạt 123% dự toán.
KHÁNH PHÚC - baolamdong.vn