ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠ HUOAI ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH! CUỘC THI TÌM HIỂU VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2023 ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠ HUOAI ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH! CUỘC THI TÌM HIỂU VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2023
Nông thôn mới và khát vọng thoát nghèo In trang
31/07/2019 12:00 SA

Ðích đến của xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao mức sống của người nông dân cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy, việc thực hiện các tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng NTM được xã Ðạ PLoa (huyện Ðạ Huoai) chú trọng, ưu tiên triển khai.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển cây ăn quả đang là hướng đi mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Ảnh: H.Sa
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển cây ăn quả đang là hướng đi mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Ảnh: H.Sa

Lấy gương sáng làm điển hình

Theo chân ông Trần Thanh Tuyến - Chủ tịch xã Đạ PLoa, vào Thôn 2, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của một vùng quê trước đây vốn còn nhiều gian khó. Xa xa, trên những ngọn đồi cao, một số nơi cây điều già cỗi cho năng suất thấp đã được người dân tiến hành tái canh, cấy ghép cải tạo. Còn chạy dọc con đường liên thôn, những khu vườn với đủ các loại cây ăn quả như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt đang từng ngày nối tiếp nhau mọc lên.

Lội qua con suối nhỏ ghé vườn tỷ phú sầu riêng Lê Văn Hải, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước sự khang trang, bề thế của ngôi nhà được ông đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 3 tỷ đồng và trang trại được ông xây dựng một cách khoa học, bài bản đến như vậy.

Ông Hải khoe rằng: “Khu vườn này mấy năm nay đã trở thành điểm trình diễn, tham quan học tập kinh nghiệm cho nông dân trong xã, còn bản thân tôi cũng trở thành người đứng lớp hướng dẫn bà con”.

Quả thật, với diện tích 2,4 ha đang canh tác sầu riêng, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 80 tấn trái, lợi nhuận mang về gần 2 tỷ đồng thì danh hiệu “người chuyên trị sầu riêng” mà nông dân trong xã đặt cho ông quả thật không quá chút nào.

Sầu riêng của ông được chăm sóc theo đúng kỹ thuật nên năng suất mỗi năm một tăng. Mặt khác, năm 2014, ông đã mạnh dạn áp dụng thử kỹ thuật xiết nước để giúp cây sầu riêng ra hoa quả trái vụ sẽ bán được giá cao hơn.

Đồng thời, ông dùng màng nilon phủ kín gốc cây sầu riêng để khi mưa nước chảy theo các mương rãnh, không thấm vào gốc cây. Kết quả, ngay vụ nghịch đầu tiên năm 2014, 100 cây cho ông thu hoạch 28 tấn với giá bán 30.000đ/kg.

Từ đó, ông Hải mạnh dạn áp dụng phủ màng nilon hết toàn bộ diện tích sầu riêng để cho thu hoạch trái vụ. Từ thành công “buộc trái sâu riêng ra trái vụ”, mỗi khi có nông dân nào trong xã hay vùng lân cận đến tìm tòi học hỏi kinh nghiệm là ông lại truyền đạt rất tận tình, bởi với ông “chia sẻ để cùng nhau phát triển, cùng nhau hình thành nên vùng sản xuất tập trung mới không còn cảnh bị thương lái ép giá”.

Không riêng gì ông Hải, tín hiệu vui là hiện ở Đạ PLoa ngày càng có nhiều nông dân tỷ phú cây ăn trái. Nhưng thay vì sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, giờ đây những người nông dân Đạ Ploa đã bắt đầu tập trung nhau lại, đứng ra thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác cùng nhau hướng về một phía.

Khát vọng thoát xã nghèo

Nói về chặng đường đã qua, ông Trần Thanh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Đạ PLoa nhớ lại: Xã Đạ PLoa là một trong 3 xã vùng sâu thuộc diện khó khăn của huyện Đạ Huoai. Nơi đây vốn là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ với đông đảo người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên sinh sống. Từ năm 1980, nhiều dân tộc từ mọi nơi trong nước chọn đến đây lập nghiệp, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở Quảng Bình di cư tự do vào đây với số lượng khá lớn. Hiện nay, toàn xã có 941 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu sống tại 5 thôn, hơn 60% dân số trong số này là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên như Châu Mạ, K’Ho. Đây là một xã còn rất nhiều khó khăn, người dân sống chủ yếu bằng nông lâm nghiệp, trồng điều, bắp, vườn cây ăn quả, trình độ canh tác còn thấp; mặt bằng dân trí chưa cao.

Với xuất phát điểm thấp của Đạ PLoa như vậy, khi triển khai xây dựng NTM đã vấp phải rất nhiều khó khăn. Vì thế, thay đổi thói quen, tư duy làm kinh tế cho người dân chính là chìa khóa để xây dựng thành công NTM. Đây cũng chính là trăn trở lớn nhất của chính quyền địa phương.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, trong những năm qua, xã Đạ PLoa đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về chương trình xây dựng NTM, khơi dậy ý thức giảm nghèo để vươn lên làm chủ của người dân, trọng tâm là phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập.

Tính đến tháng 6/2019, xã Đạ PLoa đã đạt được 15/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Đặc biệt, đời sống cũng như thu nhập của người dân không ngừng được tăng lên. Đến nay, toàn xã chỉ còn 24 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,55%, thu nhập bình quân đạt 28,23 triệu đồng/người. Dự kiến, đến hết năm 2019 đạt 38 triệu đồng/người. Hình thức sản xuất không ngừng nâng cao, tiêu biểu như các hộ dân Thôn 2 đã hình thành nên vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao, cho thu nhập hàng tỷ đồng/hộ/năm.

Theo ông Tuyến, nội dung cốt lõi và đích đến của chương trình xây dựng NTM là nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó 2 tiêu chí thu nhập (tiêu chí số 10) và hộ nghèo (tiêu chí số 11) nằm trong nhóm tiêu chí rất khó thực hiện.

Các tiêu chí này có sự ràng buộc với nhau bởi khi mức thu nhập được nâng lên cũng đồng nghĩa với việc người dân có điều kiện được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây cũng chính là mục tiêu giảm nghèo đa chiều của xã hướng đến trong giai đoạn 2016 - 2020.

HOÀNG SA - baolamdong.vn

Lượt xem: 1.425
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000213698
  •  Đang online: 2
  •  Trong tuần: 1.385
  •  Trong tháng: 6.232
  •  Trong năm: 24.395