ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠ HUOAI ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH! CUỘC THI TÌM HIỂU VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2023 ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠ HUOAI ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH! CUỘC THI TÌM HIỂU VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2023
Đạ Oai - 40 năm vượt khó vươn mình In trang
01/05/2019 12:00 SA

Cách đây 40 năm, xã Đạ Oai chính thức có tên trên bản đồ hành chính huyện Đạ Huoai và tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là mốc son lịch sử, để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đạ Oai chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, biến vùng đất mới thành miền đất sum suê trái ngọt sầu riêng. 

Các tập thể, cá nhân xã Đạ Oai được UBND huyện Đạ Huoai khen thưởng trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập xã
Các tập thể, cá nhân xã Đạ Oai được UBND huyện Đạ Huoai khen thưởng trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập xã

Buổi đầu khai phá

Xã Đạ Oai là tiền thân của xã Lộc Phú - Lộc Trung (thuộc huyện Bảo Lộc cũ). Trước giải phóng, nơi đây là vùng rừng núi lau sậy và chỉ có khoảng 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Châu Mạ sinh sống, “tự cung tự cấp” dựa vào nương rẫy, núi rừng là chính. Nơi đây, có dòng sông Đạ Quay hiền hòa bồi đắp phù sa và nguồn nước tưới dồi dào cho sản xuất nông nghiệp. Sau giải phóng, 27 hộ người Kinh từ xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lộc) xuống nhận địa bàn làm ăn, sinh sống. Lúc này, ranh giới vùng đất này được xác định có hơn 11.800 ha đất tự nhiên; trong đó, có hơn 3.200 ha có khả năng khai hoang thành đất sản xuất nông nghiệp (sau khi thành lập xã, đất đai chia tách qua xã Mađaguôi và xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh nên Đạ Oai chỉ còn lại hơn 2.320 ha đất tự nhiên; trong đó, có hơn 1.400 ha đất nông nghiệp). Song, thời điểm đó, bà con đồng bào DTTS mới chỉ đưa vào sản xuất lúa rẫy được hơn 400 ha. Để đủ nhân lực “khai hoang mở đất”, huyện Bảo Lộc tiếp tục chuyển tiếp gần 40 hộ dân kinh tế mới vùng Lộc Ngãi xuống đây định cư lập nghiệp.

Để giúp bà con ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, địa phương đã miễn thuế nông nghiệp trong 3 năm, cho phép người dân tự do khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất. Buổi đầu, những hộ dân đặt chân đến vùng đất này vẫn phải tự cung, tự cấp khiến cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Thiếu gạo, thiếu muối nên hàng ngày bà con phải ăn thêm củ khoai, củ mì để bám đất, bám buôn. Bà con người Kinh và Châu Mạ sống chan hòa, cần cù, chịu khó giúp nhau khai hoang, làm ăn sinh sống. Cứ thế, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong vùng tăng lên theo thời gian. Bà con cũng từng bước chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm, không để thiếu thốn vào mùa “giáp hạt”.

Theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, đông đảo người dân miền Bắc, miền Trung lên đường vào Tây Nguyên làm kinh tế mới. Trong đó, không ít hộ đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai để lập nghiệp. Ngoài ra, còn có lực lượng thanh niên tiền trạm, với khoảng 430 lao động của các huyện Thường Tín, Ứng Hóa (Hà Sơn Bình cũ) vào hỗ trợ. Từ đó, đường sá, nhà cửa, trường học, bệnh xá… được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu người dân. Đây cũng là động lực để bà con kinh tế mới bám đất, bám buôn làm ăn, phát triển kinh tế ổn định cuộc sống. Từ gần 70 hộ dân người Kinh đầu tiên, đến năm 1979, vùng đất này đã có 524 hộ, với hơn 1.300 nhân khẩu; trong đó, có 139 hộ đồng bào DTTS Châu Mạ. Đất sản xuất nông nghiệp cũng được mở rộng, tăng lên hơn 1.950 ha. Trên cơ sở đó, ngày 17/4/1979, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Quyết định thành lập xã Đạ Oai (thuộc huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng). Khi thành lập xã, Đạ Oai chỉ có 1 bệnh xá, 2 trường học và 1 trụ sở đại đội (nay là trụ sở UBND). Đường sá, chủ yếu là đường mòn, đường đất nhỏ hẹp. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo lúc đó chiếm trên 50% dân số toàn xã. 

Người dân Đạ Oai tham gia xây dựng quê hương
Người dân Đạ Oai tham gia xây dựng quê hương

Vững bước đi lên

Phải nói rằng, trong 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đạ Oai đã trải qua không ít thử thách, gian khó. Người dân nơi đây đã thử sức với rất nhiều loại cây trồng như lúa rẫy, mía, bắp, khoai mì và điều. Song tất cả cũng chỉ mang lại hiệu quả giúp bà con “xóa đói, giảm nghèo”.

Song, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của huyện Đạ Huoai cùng nhiều nguồn lực đầu tư của Nhà nước; đặc biệt, là sự chung sức, chung lòng cố gắng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, đã giúp bộ mặt nông thôn Đạ Oai ngày một khởi khắc và phát triển. Đến nay, xã đã có gần 940 hộ dân, với khoảng 3.600 nhân khẩu. Đạ Oai cũng là xã đầu tiên của huyện Đạ Huoai đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Hiện tại, hệ thống hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, nhà ở dân cư… của xã đều đạt bộ tiêu chí NTM. Ngoài ra, 7/7 thôn của xã đã được trang bị hệ thống Internet, đáp ứng nhu cầu nghe, nhìn, giải trí của người dân. Toàn xã chỉ còn lại 11 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,17%. Trong sản xuất nông nghiệp, với hơn 1.400 ha thì có hơn 200 ha là đất trồng cây ăn trái (sầu riêng, bưởi da xanh…) và dâu tằm có giá trị kinh tế cao, còn lại là đất trồng cây điều. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 40 triệu đồng/người/năm; trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương; người dân tham gia BHYT đạt trên 90%. Qua đó, tạo động lực để người dân địa phương vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp.

{image id=3}

Hiện, nơi đây đang có nhiều mô hình sầu riêng, trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng cho người dân; trong đó, có nhiều mô hình của bà con đồng bào DTTS. Ông Huỳnh Duy Cường, ngụ Thôn 1, xã Đạ Oai vui mừng: “Trước những đổi thay của địa phương, là cơ hội lớn để người dân chúng tôi đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Hiện, gia đình tôi có hơn 2 ha sầu riêng đang cho thu hoạch khoảng 30 tấn/năm. Qua đó, mỗi năm mang lại cho gia đình nguồn thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng”.

Chủ tịch UBND xã Đạ Oai Võ Văn Đào khẳng định: “Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, địa phương chúng tôi quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật để đồng bộ hóa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của địa phương; ra sức phấn đấu, xây dựng địa phương đạt xã NTM nâng cao và kiểu mẫu của huyện. Địa phương phấn đấu đến năm 2029, sẽ nâng thu nhập bình quân toàn xã đạt 72 triệu đồng/người/năm”.

KHÁNH PHÚC - baolamdong.vn

Lượt xem: 1.399
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000213494
  •  Đang online: 2
  •  Trong tuần: 1.181
  •  Trong tháng: 6.028
  •  Trong năm: 24.191