Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng chỉ rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện cửa quyền, chưa thật sự sâu sát thực tế”. Nhưng, câu chuyện sau đây hoàn toàn khác, câu chuyện chạm đến trái tim của người dân ở một huyện từng không thể nghèo hơn…
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quý Mỵ
Chuyện thứ nhất: Nghèo là nhục
Nhiều năm trước, huyện Đạ Huoai là một trong 5 huyện nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng. Luận giải cái nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Huoai đưa ra nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản là do khách quan:“Không thiên thời, địa lợi; xuất phát điểm thấp; thời tiết khô hạn; đất đai nghèo kiệt”.
Những nhiệm kỳ gần đây, Ban Thường vụ Huyện ủy mạnh dạn đặt câu hỏi: Tại sao lại nghèo? Tại sao cứ nghĩ thiên không thời, địa không lợi? Tại sao không biến cái bất lợi thành cái có lợi? Tại sao cứ để người dân vùng cửa ngõ của tỉnh mãi bám lấy cây điều chống đói. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy phải biết xấu hổ, bởi “Nghèo là nhục”; nếu không xóa được nghèo thì có còn xứng đáng làm Thường vụ Huyện ủy….
Như chạm vào lòng tự trọng, trên cơ sở rà soát thực tiễn, địa hình, thổ nhưỡng, từng Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy trở thành một “nhà nghiên cứu”, nhận diện rõ từng chi tiết bất lợi, tự mình tìm câu trả lời.
Sau những cuộc tranh luận “nẩy lửa”, Ban Thường vụ Huyện ủy kết luận: “Đạ Huoai đồi núi chập chùng, dù thừa nắng, thiếu mưa nhưng chưa bao giờ thiếu nước. Thời tiết Đạ Huoai khắc nghiệt nhưng bão giông không rờ tới. Đất Đạ Huoai không màu mỡ nhưng lại thích hợp với nhiều loại cây ăn trái. Trước giải phóng, người Pháp đã lập được trang trại vườn cây ăn trái Nam Nhi nổi tiếng một thời, sao bây giờ không làm được?”. Cuối cùng Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất ban hành “Nghị quyết chuyên đề” về chuyển đổi cây trồng, chú trọng phát triển các loại cây ăn trái, chủ lực là cây sầu riêng. Thường vụ Huyện ủy cũng xác định: “Muốn thắng lớn không thể lấy cần cù bù thông minh. Cần phải thực hiện cuộc “cách mạng” khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng, thực hiện quy trình nông sản sạch và áp dụng công nghệ sau thu hoạch”. Nghị quyết được triển khai quyết liệt từ huyện xuống xã, đến thôn. Người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội phải chịu trách nhiệm cao nhất. Quy định rõ các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phải xuống tận dân giải thích để dân nhận thức rằng con đường làm giàu là chuyển đổi cây trồng; Đạ Huoai phải là vùng trọng điểm cây ăn trái của tỉnh.
Tổ thẩm định được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo thành lập, chịu trách nhiệm thẩm định và báo cáo tiến độ thực hiện nghị quyết cho Thường trực Huyện ủy... Bản thân Bí thư, Chủ tịch huyện và các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy có trách nhiệm nghiên cứu, chọn lựa những loại giống mới tốt nhất, trồng thử vườn nhà rồi nhân rộng để làm gương. Đồng chí Nguyễn Quý Mỵ - Bí thư Huyện ủy kể: “Tôi và một số anh em trong Ban Thường vụ Huyện ủy đưa về trồng thử ở vườn nhà vài chục cây sầu riêng giống mới Dona, ghi chép đầy đủ quy trình kỹ thuật canh tác. Sau một thời gian thấy cây phát triển rất tốt, tôi bàn với anh em chọn những người có thâm niên trong “làng sầu riêng” xây dựng mô hình, để dân thấy người thực, việc thực mà làm theo. Anh em cán bộ đầu ngành, lãnh đạo các xã, thị trấn làm trước vì hầu hết cán bộ ở đây đều sinh ra và lớn lên trên vùng đất này nên họ đều có đất sản xuất.
Khi quyết định chọn giống Sầu riêng Dona để phát triển đại trà thì lại vướng giá. Một cây giống sầu riêng Dona ngoài thị trường có giá 40.000 đồng, nhưng định giá hỗ trợ chỉ 25.000 đồng. Chọn giống có giá đúng quy định hỗ trợ thì năng suất không cao, còn chọn giống năng suất cao thì không đúng giá hỗ trợ, tiền chênh lệch sẽ lấy từ đâu? Nếu không may thất bại thì mang tội “cố ý làm trái quy định”, ai bồi thường? Vì thế, không ít người trong Ban Thường vụ Huyện ủy ngần ngại. Một số ý kiến cho rằng “cái gì lợi cho dân thì mạnh dạn làm”, khoản chênh lệch giá cây giống thì sử dụng ngân sách huyện hỗ trợ. Nếu thất bại, thì sẵn sàng bỏ tiền túi bù cho ngân sách. Thế là Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định chọn giống sầu riêng Dona làm chủ lực trong cuộc “cách mạng giống”.
Hiện nay, toàn huyện Đạ Huoai có trên 2.500 ha Sầu riêng, trong đó khoảng 50% diện tích cho thu hoạch, năng suất bình quân mỗi ha từ 20 đến 25 tấn; sản lượng đạt khoảng 25.000 đến trên 30.000 tấn. Nếu tính giá xuất tại vườn với mức bình quân 40.000 đồng/kg thì chỉ riêng cây sầu riêng, mỗi năm người dân Đạ Huoai thu về từ 1.000 đến 1.200 tỷ đồng. Vài năm nữa, khi toàn bộ diện tích sầu riêng đơm hoa, kết trái thì con số này sẽ tăng hai, ba lần... Hiện nay, thương hiệu sầu riêng Đạ Huoai đã được xác lập, người dùng tin tưởng và lan tỏa khắp thị trường trong nước, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu sầu riêng Thái Lan. Ngoài sầu riêng, Đạ Huoai còn cả ngàn ha cây ăn trái các loại như bơ, bưởi, chôm chôm, mít tố nữ… phần lớn đều được đầu tư hệ thống tưới, bón phân tự động, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Qua đó, khẳng định việc chuyển đổi cây trồng ở Đạ Huoai thành công ngoài mong đợi.
Sầu riêng cây tỷ phú ở Đạ Huoai
Chuyện thứ hai: Làm đường nông thôn
Cái khác là Đạ Huoai không làm theo chuẩn tối thiểu 3,5 mét như quy định, vì với quy cách ấy chỉ ít năm sau lại phải vận động hiến đất mở đường. Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định mặt đường phải đạt tối thiểu 4 mét, lề đường 2 mét; nơi nào làm đường 5 mét, lề đường 3 hoặc 4 mét thì sẽ được ưu tiên hỗ trợ vật tư làm trước. Nơi nào chỉ làm mặt đường 3,5 mét thì hỗ trợ sau. Đầu tiên, không ít xã phản đối cho rằng lãnh đạo huyện thiếu công bằng. Nhưng huyện vẫn quyết làm vì các đồng chí Thường vụ Huyện ủy phải có cái nhìn xa hơn chứ không dừng ở tầm trước mắt. Trong triển khai thực hiện, lãnh đạo huyện quyết định để dân tự làm, tự quản, tự giám sát; Cùng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy giao trách nhiệm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch và các Ủy viên Ban Thường vụ trực tiếp kiểm tra vật tư hỗ trợ, chất lượng công trình. Kết quả, phần vật tư nhà nước hỗ trợ không bị tiêu hao vô hình; chất lượng công trình đảm bảo 100% yêu cầu kỹ thuật.
Bây giờ ở Đạ Huoai, đường nông thôn không còn nhỏ hẹp, xe tải vận chuyển vật tư đến tận vườn, đã xuất hiện nhiều xe bán tải của nông dân, bộ mặt một số vùng nông thôn ở Đạ Huoai hiển hiện nét văn minh như nông thôn của một số nước phát triển trong khu vực…
Chuyện thứ ba: Không rải vàng mã
Chuyện vận động không rải vàng mã trên đường đưa tang là câu chuyện khó khăn nhất bởi nó tồn tại lâu nay trong văn hóa tâm linh người Việt, định hướng lại nhận thức này là điều không dễ. Tranh luận trong Ban Thường vụ Huyện ủy, một số ý kiến cho rằng đó là thói quen mang nặng tín ngưỡng dân gian, để người chết biết đường mà từ cõi âm về thăm nhà. Lại có ý kiến cho rằng việc này rất nhạy cảm, dân không phản ứng nên phải thận trọng. Nhưng có ý kiến rất cương quyết vì cho rằng nhận thức trên xuất phát từ quan niệm “trần sao âm vậy”, việc rải vàng mã trên đường đưa tang là tiền “mãi lộ” cho tà ma; là tiền mua đường để vong hồn người chết sau này được tự do về nhà mà không bị cản trở. Quan niệm này đã bị kẻ xấu xuyên tạc, không thay đổi không được. Chính vi vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất, dù là tín ngưỡng, phong tục hay hủ tục thì trong thời đại công nghiệp 4.0 cần phải định hướng lại nhận thức và nhất định phải ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Yếu tố để vận động là dựa vào Kinh Phật, vì trong Kinh Phật không hề có chuyện rải vàng mã khi đưa đám tang. Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất giao cụ thể cho khối mặt trận và dân vận. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy. Một cuộc vận động lớn trong dân kết hợp với việc phát huy vai trò người trụ trì các chùa trên địa bàn huyện được triển khai. Đến nay, huyện Đạ Huoai, gần như người dân không còn tình trạng rải vàng mã trên đường đưa tang…
Cán bộ, đảng viên và người đứng đầu phải biết xấu hổ
Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai Nguyễn Quý Mỵ nói: Những gì Đạ Huoai làm được có thể rút ra một số kết luận:
Trước nhất, trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Huoai, vai trò người đứng đầu các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể phải được thể hiện cụ thể và phải ý thức rằng “chuyện của dân chính là chuyện của mình”. Nghĩa là phải biết trăn trở, xoắn tay áo vào làm và dám chịu trách nhiệm. Sự tranh luận trong tập thể Ban Thường vụ là rất quý, nhưng khi tập thể đã quyết thì mỗi một cá nhân phải dốc lòng, dốc sức thực hiện, không được nhụt chí, không vì cái tôi mà cản trở, tạo sức ỳ.
Thứ hai, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải biết xấu hổ, vì có biết xấu hổ mới có lòng tự trọng; có lòng tự trọng mới dốc sức mà làm. Không biết xấu hổ thì đừng làm lãnh đạo…
Thứ ba, gần dân là phải xuống tận dân chứ không phải xuống trụ sở xã nghe báo cáo là gần dân. Lãnh đạo mà không gần dân, không kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết coi như không lãnh đạo… Phải nghiêm túc như vậy, mới nghe được tiếng nói thực của dân. Gần dân là “khắc tinh” của báo cáo thiếu trung thực.
Thứ tư. cửa từ chức luôn rộng mở, nếu người đứng đầu thấy rằng mình không đủ năng lực lãnh đạo, không có khả năng vượt trội để giải quyết những phát sinh từ thực tiễn và “không đủ sức khỏe” để gần dân thì nên từ chức…
Chuyện đất nghèo Đạ Huoai giờ chỉ còn là ký ức. Sự chuyển mình ngoạn mục từ một huyện mà biểu tượng một thời là “mây, tre, cây điều” cứu đói thành một huyện với nhiều “tỷ phú chân trần” là thành quả ngọt ngào từ sự quyết liệt của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, nhất là vai trò gương mẫu, đi đầu của từng Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy cũng như người đứng đầu ở cơ sở xã, thôn…
Văn Tòa - baolamdong.vn