ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠ HUOAI ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH! CUỘC THI TÌM HIỂU VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2023 ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠ HUOAI ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH! CUỘC THI TÌM HIỂU VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2023
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cương lĩnh hành động phụng sự Tổ quốc, nhân dân In trang
09/12/2019 05:47 CH

Chỉ hơn 1.000 từ, nhưng “mấy lời để lại” - Di chúc của Bác Hồ là sự kết tinh cả cuộc đời của Bác, đúc kết tư tưởng, đạo đức, nhân cách, bản lĩnh, tâm hồn, tình cảm của một vị lãnh tụ vĩ đại, một con người luôn vì nước vì dân. Di chúc của Bác Hồ đã đề cập toàn diện những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là văn kiện lịch sử vô giá có ý nghĩa lý luận sâu sắc, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, định hướng cho tương lai. Những nội dung đó là một cương lĩnh hành động, được liên kết xuyên suốt bởi một sợi chỉ đỏ là ý thức phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc và nhân loại.

 

Ngay từ khi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam, ngày 3-3-1951, trong lời phát biểu của mình Bác đã tuyên bố trước toàn thể dân tộc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc” (1). Đau đáu nỗi niềm phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trong Di chúc Bác căn dặn trước hết đối với Đảng: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình…” (2). Còn nhớ, sau khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, giành được chính quyền, Đảng trở thành đảng cầm quyền, Bác đã viết 10 bài báo trong 4 tháng để nói về đạo đức cách mạng, nhằm giáo dục cán bộ chống bệnh kiêu ngạo cộng sản, hách dịch, cửa quyền, lạm dụng chức vụ, tham ô, tham nhũng, lãng phí quan liêu, xa rời nhân dân. Đến năm 1949 Bác lại nói “cán bộ các cơ quan, đoàn thể, cấp cao thì thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”” (3). Vì vậy trong Di chúc Bác căn dặn cần phải nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Vì ở đâu đó thực hiện lơ là không thường xuyên, không nghiêm túc, phê bình lấy lệ, hời hợt. Trong phê bình “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, không lợi dụng phê bình bới lông tìm vết, tranh quyền đoạt vị, kéo bè kéo cánh, nhưng cũng không nịnh bợ, dĩ hòa, dễ người dễ ta.

Bác chỉ bảo tận tình đối với công tác cán bộ, bởi theo Bác, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng. Trong công tác đào tạo cán bộ, Bác dặn dò: Trước hết học là phải học làm người, làm việc rồi mới làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phụng sự dân tộc… Tư tưởng này vô cùng quan trọng, bởi đâu đó không ít người nghĩ học để làm cán bộ rồi mới làm việc, mới làm người. Điều này trái với tư tưởng, đạo đức của Bác.

Là người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ luôn giữ vững tư tưởng xuyên suốt nhất quán, kiện định về tư cách của Đảng cầm quyền, trong đó nền tảng là đạo đức của đảng viên. Bác đã nói rõ, cách mạng muốn thành công trước hết phải có “Đảng cách mệnh”, tuy nhiên “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (4). Để thực hiện nhiệm vụ đó, người đảng viên phải có đạo đức cách mạng, đó là “đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình” (5). Di chúc của Bác nhấn mạnh vào vai trò, vị trí và tính tiền phong của đảng cầm quyền. Một chính đảng cần phải lấy đạo đức cách mạng làm nền tảng, có nhiệm vụ làm cho dân giàu, nước mạnh. Bởi “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (6). Người đảng viên luôn xác định phải trung thành, tận tụy phục vụ đất nước, phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân. Bác yêu cầu mỗi đảng viên luôn ghi nhớ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (7).

Di chúc của Bác không chỉ thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước, yêu dân, suốt đời chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân mà còn tỏa sáng tấm lòng bao dung nhân ái đối với tất cả mọi người. Bác cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (8). Tâm nguyện, khát vọng suốt đời của Bác cũng vì nhân dân: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (9). Nói chuyện với đồng bào trước khi sang Pháp (ngày 30-5-1946), Bác nói: Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó… Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân” (10). Bác căn dặn cán bộ, đảng viên: Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân; Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân. Bởi vậy nên việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân” (11). “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân” (12).

Tình thương yêu của Bác trong Di chúc đối với mọi người thật cụ thể, lo lắng chu đáo không quên sót một ai. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định: Những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những tình cảm lớn. Trong đời hoạt động cách mạng của Bác, cũng như trong đời sống hằng ngày của mình, Hồ Chí Minh luôn đối xử với người có lý có tình. Trong tình yêu đó có chỗ cho mọi người, không quên sót một ai và sắp xếp cho mọi người vị trí chiến đấu, cũng như lo lắng chu đáo cho mỗi người việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt… Đối với kẻ lầm đường, lạc lối, lòng Chủ tịch Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả, Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy. Bác nói rằng: “Người Việt Nam ai cũng yêu nước, muốn nước thống nhất độc lập, ta khéo nhen chút than hồng ấy, nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa”.

Với tấm lòng trìu mến, Bác tin tưởng vào lực lượng thanh niên, khẳng định thanh niên là chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên. Hơn thế nữa, đội quân chủ lực, nguồn sức mạnh tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng chính là nhờ các thế hệ thanh niên. Bác căn dặn “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (13). Bởi nếu lực lượng thanh niên được giáo dục rèn luyện thử thách trong thực tiễn cách mạng thì chắc chắn sẽ trở thành lực lượng hậu bị vững chắc của Đảng và của dân tộc. Chiến lược đối với thế hệ trẻ của Bác không chỉ là cẩm nang cần thiết cho một giai đoạn cách mạng cụ thể mà đó còn là yêu cầu quan trọng phục vụ mãi mãi sự nghiệp và lý tưởng cách mạng.

Trong Di chúc, Bác còn ân cần dặn dò, quan tâm tới từng đối tượng như thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công; phụ nữ; nông dân. Đối với Bác, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì” (14). Bác căn dặn, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (15). Di chúc của Bác căn dặn tỉ mỉ, chu đáo tới tất cả mọi người, không sót một ai, toàn diện mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người. Chính bởi vậy, Di chúc của Bác mang tầm vóc một cương lĩnh hành động, phụng sự của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nửa thế kỷ quyết tâm thực hiện Di chúc của Bác, Đảng ta đã vững vàng lãnh đạo đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn trên mọi mặt chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng đã đưa ra nhiều giải pháp để giữ vững vai trò tiên phong lãnh đạo, đó là: Xác định nền tảng tư tưởng là Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; lấy xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu, lâu dài; dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng. Việc thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng với kết quả của công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thoái hóa… đã và đang tạo sự phấn khởi, niềm tin trong nhân dân. Đó cũng là cơ sở để Đảng và Nhân dân ta thực hiện được tâm nguyện của Bác: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (16).

 

Trần Công Huyền

Lượt xem: 2.026
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000213469
  •  Đang online: 5
  •  Trong tuần: 1.156
  •  Trong tháng: 6.003
  •  Trong năm: 24.166