ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠ HUOAI ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH! CUỘC THI TÌM HIỂU VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2023 ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠ HUOAI ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH! CUỘC THI TÌM HIỂU VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2023
Trưởng thôn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng In trang
16/11/2018 12:00 SA

Đó là nhận xét của bà con Thôn 1, xã Đạ Tồn (huyện Đạ Huoai) về Trưởng thôn Nguyễn Thành Lũy - tấm gương đi đầu trong phát trển kinh tế, tích cực truyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại ấm no, hạnh phúc cho bà con.
 

Trưởng thôn Nguyễn Thành Lũy, người tiên phong đưa cây dâu tằm vào trồng “gỡ khó” cho Đạ Tồn
Trưởng thôn Nguyễn Thành Lũy, người tiên phong đưa cây dâu tằm vào trồng “gỡ khó” cho Đạ Tồn

Từ năm 2010 trở về trước, xã Đạ Tồn là vùng chuyên canh cây mía của huyện Đạ Huoai. Lúc đó, cây mía được xem là cây “xóa đói, giảm nghèo” của người dân Đạ Tồn, với diện tích giao động từ 140 – 150 ha. Ông Lũy nhớ lại: “Trước đây, gia đình tôi có hơn 3 ha đất trồng mía. Nhờ chăm sóc tốt, nên cây mía của gia đình tôi luôn cho năng suất cao. Hàng năm, sản lượng mía mà gia đình tôi thu được luôn được liệt vào dạng nhất vùng, đạt từ 14 - 15 tấn”.

Thế nhưng vào cuối năm 2011, giá mía xuống thấp, cộng với dịch sùng trắng phá hoại khiến người trồng mía lâm vào cảnh lao đao. Thu nhập từ cây mía may ra chỉ đủ chi phí đầu tư, nên nhiều hộ dân Đạ Tồn đành bỏ cây mía chuyển qua trồng cây ngắn ngày. Thời gian đầu, ông Lũy cũng như bao hộ dân khác ở Đạ Tồn chọn cây bắp (ngô) để trồng thay thế cho cây mía. Thế nhưng, cây bắp cũng không thể trụ vững do sùng trắng liên tục phá hoại khiến nhiều gia đình mất trắng. Trong khi người dân chưa biết chọn cây gì để trồng thay cây mía và cây bắp nhằm đối phó với dịch sùng trắng, thì ông Nguyễn Thành Lũy đã đánh liều quyết định đưa cây dâu tằm vào trồng.

Ông Lũy cho hay: “Năm 2012, tôi và 2 hộ dân khác trong thôn quyết định đưa cây dâu tằm vào trồng trên đất mía. Riêng gia đình tôi quyết định chuyển toàn bộ diện tích 3 ha đất trồng mía qua trồng dâu. Vì đây là cây trồng mới, nên khi quyết định “đánh cược” với nó tôi không khỏi trăn trở, lo lắng. Sau khi đầu tư mua giống dâu về trồng, tôi lại bắt đầu khăn gói tìm đến các mô hình trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc, Lâm Hà để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật. Sau đó, tôi đã đầu tư hơn 150 triệu đồng để xây nhà và mua sắm các trang thiết bị nuôi tằm. Đất không phụ lòng người, lứa tằm đầu tiên đã mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập hơn 15 triệu đồng”.

Từ sự thành công của 3 hộ đi tiên phong đưa cây dâu tằm vào thay thế cây mía, trong đó có gia đình Trưởng thôn Nguyễn Thành Lũy, UBND huyện Đạ Huoai đã triển khai chiến dịch hỗ trợ giống dâu để người dân Đạ Tồn phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Sau hơn 5 năm triển khai, đến nay xã Đạ Tồn đã có 156 hộ phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, với tổng diện tích hơn 150 ha. Theo đánh giá, bình quân nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại cho người dân địa phương nguồn thu nhập từ 200 - 220 triệu đồng/ ha/ năm.

Khi cây dâu tằm bén rễ và “gỡ khó” cho người dân Đạ Tồn, thì Trưởng thôn Nguyễn Thành Lũy cũng là người tiên phong trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng của cái nghề “ăn cơm đứng”. Đó chính là việc đưa né gỗ thay thế né tre để nuôi tằm. Theo ông Lũy, thường thì ông nuôi 2 lứa tằm/tháng, nhưng tùy vào nguồn lá dâu, có tháng nuôi 4 hộp, có tháng 8 hộp tằm giống. Mỗi hộp tằm sau khi nuôi, chăm sóc sẽ thu hoạch từ 55 - 60 kg kén. Sau khi trừ chi phí và công chăm sóc, mỗi tháng gia đình ông thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng. Mỗi năm, riêng tiền bán kén tằm, gia đình có được nguồn thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng.

Ngoài nghề trồng dâu nuôi tằm, ông Lũy còn có 8 ha điều, 2 ha sầu riêng và chăn nuôi 8 con bò sinh sản. Hai năm nay, do cây điều mất mùa không có thu, nhưng cây sầu riêng và nuôi bò mang lại cho gia đình ông thêm nguồn thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Lũy còn giúp đỡ các hộ dân khác trong thôn cùng vươn lên phát triển kinh tế bằng việc đứng ra thành lập 2 tổ hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất. Riêng Trưởng thôn Nguyễn Thành Lũy phụ trách 1 tổ (10 thành viên). Hình thức hoạt động các tổ vay vốn này là mỗi thành viên góp 2 triệu đồng/ tháng để tạo nguồn quỹ giúp các hộ gặp khó khăn vay vốn. Hiện toàn Thôn 1 (xã Đạ Tồn) 82/88 hộ phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, với tổng diện tích khoảng 70 ha.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tồn, đánh giá: “Với hơn 20 năm làm trưởng thôn, ông Lũy chính là tấm gương sáng đi đầu trong lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giáu chính đáng. Để nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương phát triển như ngày hôm nay, thì vai trò đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Trưởng thôn Nguyễn Thành Lũy là rất đáng ghi nhận, biểu dương”.

KHÁNH PHÚC - baolamdong.vn

Lượt xem: 968
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000224546
  •  Đang online: 4
  •  Trong tuần: 1.278
  •  Trong tháng: 9.374
  •  Trong năm: 35.243